40 năm cuộc chiến vệ quốc 1979 - kỳ 3: Khi tiếng súng vang lên

TTO - 5h sáng 17-2-1979, Chiến tranh biên giới phía Bắc diễn ra trong tâm thế hoàn toàn chủ động của quân bành trướng Trung Quốc và trong sự sửng sốt, ngỡ ngàng của quân dân Việt Nam!

 

40 năm cuộc chiến vệ quốc 1979 - kỳ 3: Khi tiếng súng vang lên - Ảnh 1.

Thiếu nhi Cao Bằng tiếp đạn cho bộ đội tháng 2-1979 - Ảnh tư liệu

Bây giờ mà cứ nhắc đến đồi Chậu Cảnhđồi Không Tên là nhắc lại nỗi đau vì rất nhiều đồng đội chúng tôi đã nằm lại ở đây.

Đại tá ĐỖ NGỌC NGÒI

4h sáng mùa đông ngày 17-2-1979. Dân ở bản Cô Ca, giáp biên của xã Bảo Lâm (Lạng Sơn), nhìn thấy hai phát pháo sáng từ bên kia biên giới bắn sang.

Buổi sáng 17-2 ở bản Cô Ca

"Sau này chúng tôi mới biết đó là pháo hiệu của quân Trung Quốc khi tấn công mình" - trung sĩ Chu Văn Thủy, năm nay 65 tuổi, hiện sống ở Bắc Giang, nói.

Khi đó, trung sĩ Thủy là trinh sát của sư đoàn 3 (thuộc Quân khu 5), đang đóng chốt ở cột mốc 20 thuộc bản Cô Ca thì chiến sự bất ngờ xảy ra.

5h sáng, quân bành trướng Trung Quốc bắn pháo tấn công dồn dập vào các điểm cao 805, 811, bản Quốc Toóng và bản Cô Ca, nơi đơn vị trung sĩ Thủy đang đóng quân.

Trung sĩ Thủy cùng đồng đội là những người lính đầu tiên chứng kiến cảnh quân Trung Quốc tràn sang Việt Nam sáng 17-2-1979.

Chiến tranh biên giới phía Bắc đã diễn ra, trong tâm thế hoàn toàn chủ động của quân bành trướng Trung Quốc và trong sự sửng sốt, ngỡ ngàng của quân dân Việt Nam!

"Toàn đơn vị được lệnh lên khu vực chiến đấu ngay - ông Thủy nhớ lại - Chúng tôi triển khai đội hình lên chốt nhưng quân Trung Quốc bắn chặn dồn dập hai bên đầu bản bằng cối và đại liên.

Chúng tôi chỉ có hai trung đội. Chính trị viên Nhâm phân công một nhóm sang điểm cao 600 phía tay phải của bản Cô Ca".

Khi nhóm của trung sĩ Thủy lên đó thì phát hiện lính Trung Quốc đang rồng rắn tiến qua, hướng lên điểm cao 805 và 811.

Từ sáng đến trưa, địch dồn dập dùng hỏa lực bắn vào hai điểm cao 811 và 805. Ở hai điểm cao này chỉ có một ít trinh sát của ta. Khoảng 13h30 ngày 17-2-1979, địch chiếm được điểm cao. Đạn AK không thể đấu lại với hỏa lực pháo cối dày chít như mưa của địch.

"Đến 23h đêm ngày thứ tư, sư đoàn lệnh cho chúng tôi rút về thị xã Lạng Sơn. Các điểm cao Trung Quốc lấy hết rồi. Các đường mòn địch cũng đã chiếm. Con đường duy nhất lúc đó là... đi qua khe núi giữa hai điểm cao 805 và 811 địch đã làm chủ.

Chính trị viên Nhâm bảo bằng mọi giá chúng tôi phải lợi dụng đêm tối đưa dân theo con đường đó về thị xã Lạng Sơn. Nhưng chưa kịp đến Lạng Sơn thì anh đã hi sinh.

40 năm cuộc chiến vệ quốc 1979 - kỳ 3: Khi tiếng súng vang lên - Ảnh 3.

Thư gửi về gia đình của tiểu đoàn phó Trần Ngọc Sơn (sư đoàn 3) trước khi hi sinh ở Lạng Sơn tháng 2-1979 - Ảnh chụp lại: MY LĂNG

Máu thấm biên ải

"Khi nộp đơn xung phong lên biên giới, chúng tôi - những chàng trai mười tám, đôi mươi - không thể hình dung cuộc chiến lại cam go, ác liệt đến thế. Trời biên giới thì mưa mù, rét thấu xương nhưng anh em cũng chỉ phong phanh manh áo mỏng.

Ăn uống cực kỳ kham khổ nhưng chúng tôi vẫn chiến đấu và tin chắc sẽ có ngày im tiếng súng..." - nhạc sĩ Trương Quý Hải, một sinh viên bỏ giảng đường, xung phong ra chiến trường, cựu binh sư đoàn 356 chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên những năm 1985-1986, nhớ lại.

Người nhạc sĩ tài hoa kể tiếp: "Có những trận đánh vô cùng ác liệt, hàng trăm đồng đội ở sư đoàn 356 chúng tôi đã ngã xuống. Tôi và đồng đội đã tẩm liệm cho các anh. Cũng có rất nhiều liệt sĩ khi hi sinh mà chẳng có thông tin gì.

Quy định của đơn vị là mỗi người lính trước một trận đánh đều được phát giấy, bút để ghi thông tin cá nhân, nhưng khi tìm thấy thi thể, nhiều người chỉ để giấy trắng".

23 tuổi cầm súng ra trận, ông Nguyễn Hùng Minh (cựu chiến binh trung đoàn 153, sư đoàn 356) nhớ lại: "Cứ 5h sáng, pháo từ phía Trung Quốc lại bắn sang dữ dội. Bọn mình nằm chốt suốt nên quen cả quy luật bắn của chúng.

Pháo địch bắn xa thì ta yên tâm chuẩn bị, nhưng pháo bắn gần, bắn đến đỉnh chốt và trườn xuống thì chúng tôi biết địch bắt đầu ào sang. Kinh nghiệm là thế nhưng có những trận pháo địch bắn như "đan quạt", bắn từ xa đến gần thì việc bị dính đạn pháo rất khó tránh khỏi.

Lính hi sinh bởi đạn pháo khá nhiều. Mảnh đạn pháo của Trung Quốc rất độc. Trên trận địa mình từng chứng kiến nhiều chiến sĩ bị thương vì pháo, miệng cắn cành cây để đồng đội cưa sống chân, tay để chống hoại tử...".

40 năm cuộc chiến vệ quốc 1979 - kỳ 3: Khi tiếng súng vang lên - Ảnh 4.

Nhân dân Lạng Sơn mittinh phản đối quân bành trướng Trung Quốc tháng 2-1979 - Ảnh tư liệu

Những ngọn đồi ác liệt

Trong cuộc chiến tranh chống quân bành trướng Trung Quốc, ở mặt trận Lạng Sơn, đồi Chậu Cảnh và Không Tên cũng là cái tên gắn với trận đánh nổi tiếng.

Chậu Cảnh là cụm đồi gồm 3 mỏm (A, B, C), cách thị xã Lạng Sơn khoảng 10km. Phía tây là đồi Không Tên. Gần đó là cao điểm 611, 811, 409.

"Đồi Chậu Cảnh là do bộ đội mình gọi chứ người dân không biết. Trong bản đồ cũng không có" - đại tá Đỗ Ngọc Ngòi, cựu chiến binh sư đoàn 3, cho biết.

Đại tá Ngòi kể: "Ngay từ đêm 16-2-1979, Trung Quốc đã cho quân vượt biên giới. Đồi Chậu Cảnh, đồi Không Tên chỉ cách chúng hơn một giờ đi bộ.

5h sáng 17-2, quân Trung Quốc đã có một tiểu đoàn ở đấy rồi. Lúc đó, bộ đội mình đang ở cách chốt khoảng 2km, chuẩn bị trồng sắn. Khi mình lên chúng đã chiếm chốt".

"Ở đồi Chậu Cảnh, quân Trung Quốc đánh tiểu đoàn 2 (trung đoàn 2 - sư đoàn 3) bật khỏi trận địa. Vì chúng tập kích bất ngờ nên tiểu đoàn 2 hi sinh rất lớn, khoảng 200 người, trong đó có ba đại đội trưởng!

Bây giờ mà cứ nhắc đến đồi Chậu Cảnh, đồi Không Tên là nhắc lại nỗi đau vì rất nhiều đồng đội chúng tôi đã nằm lại ở đây" - đại tá Ngòi nói.

Trong hai ngày 17 và 18-2, tiểu đoàn 2 rất nhiều lần phản kích nhưng không thành công. Sang ngày 19-2, tiểu đoàn 2 gần như bị xóa sổ! Những người còn sót lại phải rút về đồi Không Tên.

"Trận chiến ở đồi Không Tên cũng rất ác liệt. Quân số địch đông hơn mình nhiều. Vũ khí của địch 10 thì mình chỉ có 2! Chúng dùng toàn xe tăng. Anh Lê Đình Tươi, xạ thủ B40, thật sự là một anh hùng.

Anh ấy bắn cháy ba xe tăng địch thì hi sinh. Chúng tôi chiến đấu khoảng bốn ngày thì không còn quân nữa. Hai trung đội của đại đội 5 bị xóa sổ" - cựu chiến binh Nguyễn Thanh Hoàn (lính đại đội 5, tiểu đoàn 2, trung đoàn 2) kể.

"Quân bành trướng Trung Quốc đông như kiến"

Ông Hoàng Bá Thế, lính sư đoàn 3, nhớ lại: "Quân bành trướng Trung Quốc tràn lên như kiến, nhiều vô kể".

Còn ông Nguyễn Thanh Hoàn cho hay: "Mình chỉ chống đỡ vì không chuẩn bị trước do quá bất ngờ. Mũi của trung đội 1, trung đội 2 thọc sâu bị thương vong, mất mát rất nhiều.

Đại đội trưởng đại đội 5 Đồng Xuân Sinh hi sinh ngay buổi sáng! Chính trị viên Nguyễn Văn Hải cũng hi sinh ở trận đầu tiên".

MY LĂNG - ĐỨC BÌNH - HÀ THANH


Tin mới cập nhật

Tin Nổi Bật